Trở thành người truyền cảm hứng trong những bài viết của nhân viên hay cấp dưới của mình là một trong những việc bản thân tôi thấy tự hào nhất đến thời điểm hiện tại. Tôi không bao giờ tự định nghĩa hay nhận thức về cách lãnh đạo của mình, tuy nhiên lắng nghe nhân viên của mình cũng là một trong những cách nhìn lại bản thân trong quá trình lãnh đạo. Một cách "feedback" đầy thú vị. Nhìn tôi qua mắt của nhân viên tôi!
“SẾP tôi nói, Leadership chả có gì ghê gớm cả, đừng thần thánh hóa nó lên?!!
Thật kì lạ khi Sếp tôi đang làm Sếp mà lại nói như vậy. Phải chăng anh không màng đến uy quyền của mình sau này? Sau này tôi mới rõ, thực chất trước giờ anh chẳng bao giờ dùng uy quyền của mình lên một cá nhân hay phòng ban nào trong công ty của tôi cả. Anh làm Sếp một cách kỳ lạ!
Lại nói về câu chuyện làm Sếp - câu chuyện Leadership. Thực ra có ba cách lãnh đạo mà đi đâu tôi cũng bắt gặp người ta nói về nó.
- Kiểu thứ nhất Lãnh đạo chuyên quyền ( hay Lãnh đạo độc tài - autocratic), kiểu lãnh đạo này thì ai cũng chán, không ai thích “chơi”.
- Kiểu thứ hai là Lãnh đạo tự do (laissez - faire) - kiểu này thường ít khi xảy ra, chỉ có trong các nhóm nghệ sĩ như họa sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ.
- Kiểu cuối cùng là Lãnh đạo dân chủ (democratic hay participatory) - người thuộc kiểu lãnh đạo này thường hỏi ý thành viên và dùng nhiều ý của thành viên.
Suy đi nghĩ lại, chả thấy Sếp tôi giống kiểu lãnh đạo nào ở trên, họa may ra gần giống tương đối chỉ là lãnh đạo dân chủ. Tôi lại thấy anh giống kiểu lãnh đạo “không chính thống” này hơn vì chưa có ai liệt kê nó vào các nhóm lãnh đạo chính cả, nhưng chắc sẽ sớm muộn thôi vì tôi đã thấy có người đại diện cho kiểu lãnh đạo này rồi - Lãnh đạo phục vụ!
“Lãnh đạo phục vụ” là cụm từ dịch nhẹ nhàng của từ “Servant leader”. Servant có nghĩa là người phục vụ, tôi tớ, ôsin. Lãnh đạo phục vụ là người lãnh đạo mà vai trò đầu tiên là phục vụ mọi người xung quanh. Servant leader thì ngược hẳn với Leader leader (tạm dịch “lãnh đạo kiểu sếp”) - người lãnh đạo mà vai trò đầu tiên là làm sếp.
Sếp của tôi hay có mấy câu than thở đùa với nhân viên của mình rằng anh trông giống osin hơn là Sếp của chúng tôi. Sự thật là vậy, tôi chả thấy người Sếp nào như anh, đêm thức khuya để nấu đồ ăn sáng cho công ty tôi mặc dù anh còn phải đi làm sớm hơn chúng tôi. Lo những chi tiết nhỏ vì anh biết thể nào chúng tôi cũng sẽ quên nó đi cho dù anh đã nhắc rất nhiều lần. Chúng tôi cần gì - Anh hỗ trợ liền thứ đấy. Lắng nghe khó khăn của chúng tôi sau đó đưa giải pháp phù hợp nhất. Sếp tôi là bậc thầy của những GIẢI PHÁP!
Anh lắng nghe - đồng cảm - chữa lành những rắc rối của chúng tôi về vật chất lẫn tinh thần. Anh nhận thức - “mơ giấc mơ lớn” - truyền cảm hứng để chúng tôi cùng nhau chinh phục giấc mơ đó. Cuối cùng, Anh cống hiến hết mình cho tập thể vì anh tin sau cùng giá trị sẽ đến.
Dù thật kì lạ nhưng tôi thích Sếp của tôi lãnh đạo chúng tôi theo kiểu này. Chúng tôi - những cấp dưới may mắn - cảm thấy được phục vụ hết sức chu đáo để rồi chúng tôi mạnh khỏe hơn, thông minh hơn, tự do hơn, độc lập hơn để phát triển bản thân tốt nhất có thể. Và hơn thế nữa chúng tôi lại tiếp tục trở thành những người phục vụ như anh trong tương lai. Lúc này tôi cảm thấy được an tâm từ đó phát triển bản thân hết mức có thể thậm chí là những điều "tưởng chừng" không thể. Sếp tôi luôn nói, muốn trở thành một lãnh đạo giống anh, tôi cần phải có những yếu tố sau đây:
- Lắng nghe - Đồng cảm với nhân viên của mình
- Nhận thấy - Nhìn thấy được tương lai
- Lên kế hoạch và có mục đích, mục tiêu rõ ràng
- Luôn cống hiến hết mình cho tập thể
- Cuối cùng, phát triển nhân viên theo nhiều hướng tích cực nhất có thể”
NHÂN VIÊN TÔI "NGHĨ" GÌ VỀ TÔI?
Reviewed by Nguyễn Lê Hải Đăng
on
tháng 12 28, 2018
Rating: